Nếu bạn nghi ngờ con mình bị suy giảm thính lực hoặc lo lắng mắc các bệnh lý về tai thì có thể cho trẻ đo thính lực để kiểm tra. Phương pháp này có thể áp dụng với trẻ ở bất kì độ tuổi nào kể cả trẻ sơ sinh.

Các phương pháp đo thính lực thông thường ở trẻ nhỏ

Việc đo thính lực không gây ra bất kỳ sự khó chịu nào trên cơ thể của trẻ bởi khi tiến hành, người ta sẽ tùy thuộc vào mức độ phát triển và lứa tuổi của trẻ để lựa chọn phương pháp đo thích hợp. Với những phương pháp đo thính lực thông thường, trẻ cần báo hiệu liệu có nghe được âm thanh hay không trong suốt thời gian đo. Nhưng với trẻ nhỏ, sự tập trung và nghe hiểu còn rất hạn chế vì thế, để có kết quả chính xác cần có một phương pháp hiệu quả.  

-         Căn cứ vào hồ sơ bệnh án

Các chuyên gia về sức khỏe thính học sẽ thu thập những thông tin để hỗ trợ xác định nguyên nhân gây giảm sức nghe, ảnh hưởng, biến chứng và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Cách thu thập thông tin đó là từ hồ sơ bệnh án: gia đình, môi trường, bệnh tật…

-         Sử dụng đèn soi tai:

Những chiếc đèn soi tai có thể giúp các chuyên gia nhìn rõ ống tai và màng nhĩ, từ đó, phát hiện ra dấu hiệu bất thường gây mất thính lực.

-         Đo âm ốc tai

Phương pháp này không cần đến sự hợp tác của trẻ mà vẫn cho kết quả chính xác và nhanh chóng. Trẻ có thể nằm yên hoặc ngủ khi tiến hành đo bằng phương pháp này, do dó, cực kì thích hợp với trẻ sơ sinh.

-         Đo ABR và đo ASSR

Đây cũng là một phương pháp không cần đến sự hợp tác của trẻ, tiến hành đo sóng não bằng các âm thanh kích thích. Tuy phương pháp này mất nhiều thời gian hơn đo âm ốc tai nhưng kết quả của nó rất có ích với trẻ đeo máy trợ thính.

-         Đo trở kháng

Cũng là một phương pháp rất nhanh chóng và không cần đến sự hợp tác của trẻ, tiến hành kiểm tra chuyển động của màng nhĩ theo sự thay đổi của áp suất bên trong ống tai, qua đó đánh giá toàn bộ tai giữa. Lợi ích của phương pháp này là có thể chẩn đoán nghe kém và nhiễm trùng tai gữa.

-         Đo thính lực

Phương pháp này cần có sự hợp tác và tập trung của trẻ nhỏ trong cả quá trình đo. Vì vậy, cả trẻ cũng như người tiến hành đo cần có sự chuẩn bị tốt.

-         Đo thính lực đơn âm

Nếu đang trong quá trình hiệu chỉnh máy trợ thính thì phương pháp này thực sự có ích. Bởi thông qua một loạt những âm thanh ngắn phát từ loa hoặc khi trẻ đeo tai nghe để xác định xem mức âm lượng nhỏ nhất mà trẻ nghe được.

-         Đo thính lực lời

Với những đứa trẻ đã có sự nhận thức rõ thì sẽ được tiến hành kiểm tra qua lời nói thực. Mục đích của phương pháp này là xác định xem ngưỡng nghe nhỏ nhất mà trẻ có thể nghe được bao nhiêu. Mức âm lượng của lời nói sẽ được để ở mức vùng hội thoại. Công việc của trẻ lúc này là phản hồi lại bằng cách lặp lại từ hoặc chỉ vào hình minh họa cho từ nghe được.