Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, nghe kém sẽ là một trong 10 gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở nhiều quốc gia và sẽ tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, tại Vương quốc Anh, ngân sách sử dụng để nghiên cứu các bệnh khác lại nhiều hơn tới 40 lần ngân sách dành cho chứng bệnh này.

Anh: Ngân sách nghiên cứu nghe kém ít hơn 40 lần so với các bệnh khác

Theo tổ chức Action on Hearing Loss (Anh), cho tới nay, ở Vương quốc Anh có hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng bởi suy giảm thính giác. Dự báo trong năm 2031, con số này sẽ tăng hơn 40%, lên 14,5 triệu người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng dự báo rằng, vào năm 2030, nghe kém ở người trưởng thành sẽ nằm trong 10 gánh nặng bệnh tật hàng đầu tại Vương quốc Anh, các quốc gia có thu nhập cao và trung bình, đứng trên bệnh đục thủy tinh thể và đái tháo đường. Và theo Action on Hearing Loss, suy giảm thính lực vì thế sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe tiềm năng mà chúng ta không thể bỏ qua. Tuy nhiên, đáng chú ý là số tiền được sử dụng để nghiên cứu về nghe kém ít hơn rất nhiều so với các bệnh lý khác, ví dụ như bệnh tim mạch và đái tháo đường. 

Trong bản báo cáo “Những vấn đề thính giác” (Hearing Matters) của Tổ chức Action on Hearing Loss cho thấy, năm 2010, tại Anh, 49,71 Euro tiền nghiên cứu dành cho mỗi người bị ảnh hưởng bởi bệnh tim mạch; 21,31 Euro cho bệnh đái tháo đường; 14,21 Euro cho các bệnh về thị giác và chỉ có 1,34 Euro dành cho bệnh liên quan tới thính giác và giảm thính lực. Nói cách khác, nghe kém được quan tâm nghiên cứu tương đối ít, số tiền dành cho nghiên cứu về bệnh tim mạch cao hơn 40 lần dành cho chứng bệnh này.

Nhiều nghiên cứu trên khắp thế giới đã ghi nhận, suy giảm thính giác gây những hậu quả cá nhân đáng kể, ảnh hướng lớn đến kinh tế - xã hội, tác động tới cả việc làm và giáo dục. Nghiên cứu của Action on Hearing Loss cũng đã chỉ ra rằng, ngay cả trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp thấp, những người nghe kém ở mức độ nghiêm trọng và sâu có nguy cơ thất nghiệp cao gấp 4 lần so với tổng dân số. Chứng bệnh này cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ trầm cảm đối với người già và gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ khiếm thính.