Bạn có thể không nghĩ rằng, cân nặng của mình sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thính giác và là nguyên nhân gây suy giảm thính lực. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lại cho thấy, người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ bị suy giảm thính lực cao hơn. Tại sao lại như vậy? Mời bạn tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau.

Suy giảm thính lực là gì?

Suy giảm thính lực là tình trạng người bệnh bị suy giảm khả năng nghe ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Trước đây, người ta cho rằng, chỉ người già mới có nguy cơ bị suy giảm thính lực. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng, suy giảm thính lực có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, nó đang có xu hướng gia tăng ở đối tượng thanh thiếu niên do thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh.

Dù không gây nguy hiểm ngay lập tức tới tính mạng nhưng theo thời gian, tình trạng suy giảm thính lực có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giao tiếp, các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể gây ra nhiều vấn đề về tâm lý. Không ít người bị trầm cảm, thậm chí có ý định tự tử vì  suy giảm thính lực.

Tại sao người béo phì dễ bị suy giảm thính lực?

Tai là một trong những bộ phận nhạy cảm và phức tạp nhất của con người. Khi sóng âm vào tai, nó sẽ truyền các rung động đến hàng ngàn tế bào lông nhỏ ở tai trong. Những tế bào lông này uốn cong và di chuyển theo sự rung động của âm thanh và chính sự chuyển động này tạo ra cảm giác về âm thanh ở trong tai. Tiếp theo, các tế bào thần kinh khác sẽ gửi những cảm giác đó đến não và giúp não phân tích thành âm thanh có nghĩa mà chúng ta nghe được.

Bên cạnh đó, những tế bào lông này cũng cần rất nhiều lưu lượng máu và oxy để hoạt động một cách hiệu quả. Nếu bị hỏng, chúng sẽ không tái sinh. Đây là lý do suy giảm thính lực là tình trạng rất khó điều trị.

Nếu bạn bị béo phì, hệ thống tuần hoàn của cơ thể sẽ phải chịu áp lực lớn. Béo phì gây ra huyết áp cao, tuần hoàn và oxy hóa tế bào kém. Tất cả những yếu tố này đều có thể dẫn đến tổn thương tế bào lông, từ đó dẫn tới tình trạng suy giảm thính lực và các dạng tổn thương thính giác khác.

Thừa cân, béo phì còn liên quan tới nhiều vấn đề khác như: Bệnh tiểu đường, tim mạch, đột quỵ,… Tất cả những tình trạng này đều có thể làm tăng nguy cơ bị suy giảm thính lực. Nói tóm lại, nếu không quản lý tốt cân nặng của mình thì rất có thể, bạn sẽ bị nghe kém, suy giảm thính lực ở tương lai không xa.

Nghiên cứu khẳng định mối quan hệ giữa béo phì và suy giảm thính lực

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Mỹ (The American Journal of Medicine) đã chỉ ra rằng, trọng lượng cơ thể quá lớn có thể là yếu tố liên quan đến khả năng bị suy giảm thính lực.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên 70.000 người trong độ tuổi 25 - 45. Sau khi kiểm soát về lứa tuổi và các bệnh lý liên quan, các nhà khoa học thấy rằng, những người có cân nặng cao hơn mức giới hạn chuẩn sẽ gia tăng nguy cơ mất thính lực.

Các nhà khoa học đã đánh giá nguy cơ bị suy giảm thính lực ở người tham gia qua chỉ số BMI của họ. BMI là chỉ số khối lượng cơ thể (Body Mass Index). Công thức tính chỉ số BMI tương đối đơn giản, chỉ dựa vào 2 chỉ số là chiều cao và cân nặng: BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]. Trong đó, chiều cao tính bằng cm và cân nặng tính bằng kg.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người có chỉ số BMI trong khoảng từ 25 - 29 có nguy cơ gặp phải tình trạng mất thính lực cao hơn 8% so với những người có chỉ số BMI dưới 25. Người có chỉ số BMI trong khoảng từ 30 - 34 sẽ gia tăng nguy cơ mất thính lực 11%. BMI từ 35 – 39 có nguy cơ mất thính lực 16% và cao nhất là 19% cho những người có BMI trên 40. Từ đó chúng ta có thể nhận thấy rằng, mối liên quan giữa nguy cơ gia tăng khả năng mất thính lực với BMI là khá rõ rệt.

Chính vì vậy, để giảm nguy cơ mất thính lực, các chuyên gia khuyên bạn nên giữ mức cân nặng ổn định, giảm cân nếu cần thiết. Bạn cần kiểm soát cân nặng bằng cách: Hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo, nhất là chất béo bão hòa; Giảm tiêu thụ đường và muối; Tăng cường ăn rau xanh, trái cây chứa vitamin và khoáng chất cần thiết giúp bảo vệ thính lực. Đồng thời, hãy luyện tập thể dục thường xuyên, ít nhất là 150 phút/tuần đối với người trưởng thành sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa được rất nhiều bệnh, trong đó có tình trạng mất thính lực.