Dị tật không có vành tai là một dị tật bẩm sinh do di truyền hay do mắc phải trong lúc mang thai, nguyên nhân do mẹ bị nhiễm siêu vi hay do một số thuốc mẹ dùng trong ba tháng đầu của thai kỳ.

(SKDS) - Dị tật không có vành tai là một dị tật bẩm sinh do di truyền hay do mắc phải trong lúc mang thai, nguyên nhân do mẹ bị nhiễm siêu vi hay do một số thuốc mẹ dùng trong ba tháng đầu của thai kỳ. Đây là loại bệnh lý ít gặp trong chuyên ngành tai mũi họng, tuy nhiên lại rất ảnh hưởng tới thẩm mỹ nhất là ở những bé gái.

Một số dị tật không có vành tai hay gặp

Dị tật tai có thể chỉ biểu hiện ở vành tai, ống tai hay phối hợp với không có tai giữa và tai trong. Cũng có thể đơn thuần ở tai hay kèm theo các dị tật ở các cơ quan khác. Dị tật vành tai được chia làm 4 loại tùy theo mức độ không có một phần hay toàn bộ vành tai: Loại 1: Vành tai nhỏ hơn bình thường; Loại 2: Vành tai nhỏ kèm theo thiếu một phần của vành tai hoặc một cấu trúc của vành tai; Loại 3: Vành tai chỉ là một nhúm thịt; Loại 4: Trẻ không có vành tai, xương chũm không phát triển.

Dị tật vành tai thường kết hợp với các dị tật khác của tai giữa và tai trong. Để xác định điều này cần thêm một số hỗ trợ khác như chụp CTscan xương thái dương, đo thính lực cũng giúp tiên đoán một phần nào khiếm khuyết này.

Ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt của trẻ

Dị tật không có vành tai gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của bệnh nhân, nhất là  trẻ em ở giai đoạn  phát triển về ý thức, bắt đầu nhận thức về mình so với mọi người xung quanh. Dị tật không có vành tai cũng ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của trẻ trong trường hợp trẻ bị tật ở mắt như cận thị, viễn thị, nếu không có vành tai sẽ không thể đeo được kính, không thể thực hiện việc đơn giản như đeo khẩu trang mỗi lần ra ngoài môi trường bụi, gió rét...

Khi bắt đầu đi học, trẻ dễ mặc cảm vì sự trêu chọc của bạn bè. Do đó, việc tạo vành tai nên được bắt đầu từ sớm. Phẫu thuật tạo hình vành tai cho trẻ thường được tiến hành khi trẻ từ 6 tuổi trở lên với điều kiện cơ thể có trọng lượng tối thiểu 20kg. Lứa tuổi lý tưởng nhất để thực hiện tạo vành tai cho trẻ là 12 - 13 tuổi. Với điều kiện này, vành tai trẻ gần như bằng với người trưởng thành, sau khi tạo hình vành tai sẽ phát triển tương đương như tai bên kia. Ngoài ra, để tránh những tình huống bị bạn bè chế nhạo khi đi học, trẻ cũng cần được tạo hình vành tai ở thời điểm này.

 Dị tật không vành tai ở bé gái.                                         

Tạo hình vành tai

 Tạo hình vành tai thường được tiến hành phẫu thuật hai giai đoạn gồm: Lấy sụn sườn của bệnh nhi, cấy vào vạt da ở phần tai khuyết, sau đó nâng và tạo hình vành tai. Với trường hợp không có ống tai, sẽ tạo hình vành tai trước sau đó mới tạo hình ống tai. Tuy nhiên, nếu trẻ có tai giữa và tai trong có thể tạo hình ống tai khi trẻ còn nhỏ để giúp trẻ nghe, nói được. Đây là phẫu thuật ghép sụn tự thân. Một ca phẫu thuật tạo hình vành tai kéo dài trong khoảng 6 giờ đồng hồ. Khi mảnh ghép và khung sụn được nuôi sống ổn định sau ba tháng, sẽ tiến hành tiếp giai đoạn hai là lấy da, tạo hình vành tai và nâng vành tai lên vị trí bình thường.

Tạo hình toàn bộ vành tai cho những trường hợp dị tật không có vành tai được xem như một trong những thách thức lớn nhất của phẫu thuật viên tạo hình do vành tai cấu tạo bởi một khung sụn được cuốn lại tinh tế, nằm trong túi da mềm mại và bền vững, ít mạch máu nuôi dưỡng. Trước đây, để tạo nên khung vành tai cho người bệnh, phẫu thuật viên thường dùng chất liệu nhân tạo như silicon, silastic, sụn sườn đồng loại nhưng các chất liệu này đều không đảm bảo mảnh ghép lâu dài, thường bị đào thải và lộ ra rìa vành tai hoặc tự tiêu, gây biến dạng vành tai, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ vùng mặt.
 
Vì vậy, chất liệu tốt nhất là dùng sụn sườn tự thân. Người bệnh phải trải qua hai hoặc ba lần phẫu thuật để tạo khung vành tai, cố định khung cùng da bọc bên ngoài, rồi tách và dựng vành tai. Cuối cùng là giai đoạn chỉnh sửa cho vành tai đẹp và tự nhiên hơn, tạo hình các phần phụ như dái tai, nắp tai... loại bỏ tóc ở bờ vành tai. Theo các nghiên cứu trên thế giới, vành tai được tạo hình theo kỹ thuật này, nếu bị chấn thương, diễn tiến lành vết thương cũng như vành tai bình thường.         

Theo suckhoedoisong.vn TS. Phạm Bích Đào